Bí quyết để có một làn da trắng sáng, mịn màng chính là biết lắng nghe và hiểu rõ làn da của mình. Cho dù bạn thuộc tuýp da dầu khó chăm sóc nhưng nếu chịu khó tìm hiểu thì chắc chắn bạn sẽ biết được đâu là cách skincare phù hợp.
Hãy cùng tham khảo thông tin trong bài viết dưới đây để biết bạn có làn da dầu hay không và cách chăm sóc / skincare làn da này như thế nào nhé.
Da dầu là da như thế nào?
Thông thường, da mặt cần có 1 lượng dầu nhất định để đảm bảo làm mềm và tự dưỡng ẩm cho da. Lượng dầu nhờn tiết ra trên mặt sẽ quyết định bạn thuộc loại da nào. Làn da dầu đúng như tên gọi của nó, là loại da có nhiều dầu nhờn trên mặt, sáng bóng, đặc biệt rõ ràng ở vùng trán, mũi, cằm.
Khi lượng dầu tiết ra quá nhiều so với bình thường sẽ hình thành nên các sợi bã nhờn trên mặt, khiến lỗ chân lông giãn nở to hơn. Lỗ chân lông càng to thì càng tạo điều kiện cho bụi bẩn bám vào, hình thành lên mụn đầu đen và mụn cám. Nguy hiểm hơn, nó có thể là nguyên nhân gây mụn viêm, mụn trứng cá, mụn bọc nếu như không chăm sóc đúng cách.
Ngoài ra, người có làn da dầu thường có lớp da thô dày hơn do lượng bã nhờn không được xử lý tạo thành lớp sừng ở biểu bì.
Những người có làn da dầu sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc da để giảm dầu nhờn. Họ cũng khá đau đầu khi phải trang điểm thường xuyên vì dầu thừa sẽ làm lớp make-up loang lổ, da bóng nhờn, không đều màu, mất thẩm mỹ.

Có một điều cần lưu ý rằng, nhiều bạn nhầm lẫn giữa da hỗn hợp và da dầu. Hai loại da này có chung đặc điểm là lớp dầu nhờn nhiều ở vùng chữ T (phần trán và thẳng từ mũi xuống cằm). Nhưng da hỗn hợp thì sẽ có 2 bên má khô hơn, không có dầu. Trong khi đó, da dầu sẽ xuất hiện dầu ở toàn bộ khuôn mặt, bao gồm cả vùng má và cổ.
Vậy nên, để nhận biết chính xác mình thuộc loại da nào thì hãy sử dụng giấy thấm dầu để kiểm chứng lượng dầu ở từng vùng da khác nhau.
Xem thêm: Cách phân biệt các loại da cơ bản và nhận biết loại da của bạn
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng da dầu
Có rất nhiều nguyên nhân khiến da bạn tiết nhiều dầu nhờn hơn bình thường. Chúng ta chia làm hai nhóm nguyên nhân chính: nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài.
1. Các nguyên nhân bên trong
Yếu tố di truyền
Làn da cũng là một trong những bộ phận rất dễ di truyền theo thế hệ. Nếu như ông bà hoặc cha mẹ có làn da dầu đặc trưng thì nguy cơ cao sẽ di truyền lại đặc điểm này cho con cháu.
Thay đổi nội tiết tố
Khi bước vào những giai đoạn quan trọng như tuổi dậy thì, thời kỳ mang thai, sinh nở, thời kỳ tiền mãn kinh, làn da sẽ có nhiều thay đổi lớn. Ở những giai đoạn này, androgen - một dạng nội tiết tố ở cả nam và nữ tăng vọt sẽ kích thích tuyến bã nhờn ở lớp trung bì hoạt động mạnh hơn. Do vậy, làn da sẽ tiết nhiều dầu nhờn hơn.
2. Các nguyên nhân bên ngoài
Thời tiết và môi trường
Làn da sẽ thay đổi do sự tác động của thời tiết ở từng khu vực. Ở nơi thời tiết nóng bức, nắng nhiều, độ ẩm thấp sẽ khiến da bị thiếu nước, thiếu ẩm. Tuyến dầu sẽ phải hoạt động nhiều hơn để tiết dầu giúp da giữ ẩm.
Do vậy mà da sẽ nhiều dầu và bóng nhờn. Ngoài ra, ở môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi thì da mặt dễ bị bẩn, tạo ra các sợi bã nhờn làm bít tắc lỗ chân lông và khiến da đổ dầu nhiều hơn.
Da thiếu nước, thiếu ẩm
Nhiều người nhầm tưởng rằng, da dầu thì đã đủ ẩm, không cần phải bổ sung dưỡng ẩm nữa. Thực chất không phải như vậy. Làn da thiếu nước, thiếu ẩm chính là nguyên nhân khiến lượng dầu tiết ra nhiều hơn. Mục đích chính là để bù lại độ ẩm mà da đang thiếu hụt.
Vệ sinh da không sạch
Nếu làn da có quá nhiều bụi bẩn, lỗ chân lông bị lấp đầy sẽ gây bít tắc và hình thành mụn. Đồng thời, nó cũng kích thích da tiết ra nhiều dầu thừa hơn. Ở bước vệ sinh da, nhiều người đã bỏ qua bước tẩy trang - một bước cực kỳ cần thiết.
Chăm sóc da không đúng cách
Một số sai lầm thường gặp khi chăm sóc da: không tẩy trang, không dưỡng ẩm, không sử dụng kem chống nắng, coi thường việc sử dụng tẩy tế bào chết hằng tuần,...
Ngoài ra, cũng tránh việc làm sạch da quá mức như tẩy tế bào chết hằng ngày, đắp mặt nạ hằng ngày. Việc này sẽ lấy đi độ ẩm nhất định trên da, tuyến dầu sẽ càng hoạt động mạnh để tiết dầu. Vô hình chung, chăm sóc da thái quá như vậy sẽ gây phản tác dụng.
Vì sao da dầu nhờn dễ bị nổi mụn?
Một trong những vấn đề gây “ám ảnh” với những bạn da dầu, đó là việc da thường xuyên nổi mụn. Nguyên nhân là bởi ở dưới mỗi lỗ chân lông có một tuyến bã nhờn hoạt động. Tuyến bã nhờn này hoạt động để tiết dầu, cung cấp độ ẩm cho da.

Nhưng với da dầu, tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn, tiết nhiều dầu hơn sinh ra một lượng “dầu thừa” không cần thiết trên mặt. Lượng “dầu thừa” tích tụ trên da lâu ngày sẽ tạo ra các sợi bã nhờn. Sợi này kết hợp với các tế bào chết trên da, trộn với bụi bẩn hằng ngày trên da và mắc kẹt trong lỗ chân lông tạo ra mụn.
Lượng bã nhờn trên mặt quá nhiều cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn p.acnes (vi khuẩn ăn bã nhờn) phát triển gây viêm nang lông, dễ khiến mụn phát triển. Nếu nhẹ thì là các mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn cám li ti ở khắp mặt. Nặng hơn thì sẽ là mụn trứng cá, mụn bọc, mụn viêm rất khó chữa trị.
Xem thêm: 10 Cách trị mụn đơn giản mà hiệu quả tại nhà
Các bước chăm sóc da dầu / Skincare cho da dầu
Dưới đây là gợi ý về quy trình chăm sóc da dầu / skincare cơ bản cho da dầu để bạn tham khảo.
Bước 1: Tẩy trang
Đây là bước đệm đầu tiên và quan trọng nhất để làm sạch da, giúp loại bỏ các lớp makeup, bã nhờn và dầu thừa trên mặt. Điều này sẽ khiến làn da thông thoáng, lỗ chân lông được “rửa sạch” và tạo tiền đề để da hấp thu dưỡng chất trong những bước skincare tiếp theo.
Bước 2: Rửa mặt
Sau khi tẩy trang, hãy rửa mặt bằng sữa rửa mặt phù hợp để làm sạch da thêm một lần nữa. Khi rửa mặt nên massage nhẹ, không chà xát mạnh gây tổn thương da. Nếu có điều kiện thì nên sử dụng máy rửa mặt để đảm bảo bụi bẩn và bã nhờn trên da được loại bỏ hoàn toàn.
Bước 3: Dùng toner cân bằng da
Sau khi rửa mặt, da thường sẽ bị khô do toàn bộ lớp dầu được làm sạch. Lúc này, bạn nên sử dụng toner để cân bằng độ pH trên da. Toner có tác dụng giúp da trở về trạng thái lý tưởng với độ pH 5.5.
Bước 4: Tẩy tế bào chết
Tế bào cũ trên da sẽ liên tục được thay thế bởi tế bào mới do hoạt động trao đổi chất của cơ thể. Tế bào cũ này chính là tế bào chết - nơi trú ngụ của rất nhiều loại vi khuẩn có hại cho da.
Việc tẩy da chết thường xuyên sẽ giúp da sạch sẽ, lỗ chân lông thông thoáng, ngăn ngừa mụn phát triển. Nên thực hiện 2 lần/1 tuần, tránh lạm dụng quá nhiều gây tổn thương da.
Bước 5: Treatment chuyên dụng cho da
Treatment được hiểu là các sản phẩm đặc trị mụn, nám, sạm da, thâm mụn,… Sử dụng một số dạng treatment phù hợp với da dầu như Niacinamide, vitamin C, BHA/AHA sẽ giúp da dầu cải thiện đáng kể tình trạng mụn, thâm,sẹo,…
Bước 6: Kem dưỡng ẩm
Kem dưỡng ẩm tạo ra lớp màng bảo vệ da và cung cấp độ ẩm vừa đủ cho da. Việc dưỡng ẩm là cực kỳ quan trọng đối với da dầu, nên thực hiện hằng ngày vào buổi sáng và tối.
Bước 7: Kem chống nắng

Bước cuối cùng, hãy chống nắng thật kỹ càng cho làn da ngay cả khi bạn không đi ra ngoài. Lớp kem chống nắng sẽ “khóa chặt” toàn bộ lớp dưỡng da trước đó. Đồng thời, bảo vệ da trước ánh nắng mặt trời và bức xạ từ màn hình tivi, máy tính, điện thoại. Nếu không chống nắng, các bước skincare trước đó đều trở nên vô nghĩa.
Xem thêm: Skin care cho nam như thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất?
Cần lưu ý gì khi chăm sóc da dầu / Skincare cho da dầu?
Khi chăm sóc da dầu, các bạn cần chú ý thực hiện đều đặn hằng ngày. Và quan trọng là tìm ra những sản phẩm “chân ái” phù hợp với da dầu. Dưới đây là một số kinh nghiệm khi lựa chọn sản phẩm chăm sóc cho da dầu.
Sữa rửa mặt
Chọn sữa rửa mặt có thành phần tự nhiên, dịu nhẹ, chiết xuất từ trà xanh, nha đam, mật ong,... Nếu có chứa acid salicylic (chất kháng khuẩn, loại bỏ bã nhờn) thì càng tốt. Ngoài ra nên chọn loại ít bọt, hạt nhỏ để tránh gây bong tróc và khô da quá mức.
Toner
Khi chọn toner, nên ưu tiên các sản phẩm không có cồn để tránh gây khô da. Thêm vào đó, chọn dạng toner có những thành phần tự nhiên như nước hoa hồng, trà xanh, cám gạo,… Đặc biệt ưu tiên những toner có kết cấu mỏng nhẹ, thẩm thấu nhanh và không chứa hương liệu có thể gây kích ứng.
Kem dưỡng ẩm
Với những người có làn da dầu nên ưu tiên chọn kem dưỡng ẩm có thành phần lành tính, không hương liệu, kết cấu mỏng nhẹ, dễ thẩm thấu, không gây bết dính. Các loại kem dưỡng ẩm dạng gel sẽ phù hợp hơn dạng cream.
Tẩy tế bào chết
Đâu là loại tẩy tế bào chết phù hợp nhất với da dầu? Đó là loại tẩy tế bào chết không chứa cồn, không dầu, có BHA/AHA. Ngoài ra, nên ưu tiên tẩy da chết hóa học dạng Peeling gel gốc nước, không chứa các hạt scrub gây tổn thương da.
Kem chống nắng
Khi chọn kem chống nắng cho da dầu hãy chú ý đến các từ “No Sebum” (không gây nhờn) hoặc "Oil Free" (không dầu) trên bao bì. Hãy chọn dạng gel hoặc dạng xịt thay vì dạng cream. Kem chống nắng càng mỏng nhẹ, thẩm thấu nhanh thì càng tốt cho da dầu.
Việc sử dụng những mỹ phẩm chăm sóc da không đúng cách sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng với làn da của bạn như: da bị kích ứng, viêm, mụn,... Nếu bạn gặp tình trạng trên thì 10 Cách chăm sóc da nhạy cảm an toàn và hiệu quả cho nàng là cách giúp bạn lúc này.
10 cách trị da tiết dầu nhờn hiệu quả
1. Kiểm soát chế độ ăn uống hợp lý
Nên bổ sung thực phẩm từ hoa quả, rau xanh có chứa nhiều vitamin và chất xơ. Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn dầu mỡ. Kiêng rượu bia, đồ uống có ga và có cồn để tránh kích ứng trên da dầu. Ngoài ra, nên ăn đủ bữa, ngủ đủ giấc, giữ tinh thần thoải mái, lạc quan.
2. Hỗn hợp nước cốt chanh và dưa leo
Dùng hỗn hợp nước cốt chanh và nước ép dưa leo để đông đá, sau đó massage đều lên mặt khoảng 2-3 lần/1 tuần để giảm mụn, sạch bã nhờn trên mặt.
3. Hỗn hợp sữa chua và bột mì
Trộn nửa hộp sữa chua không đường với khoảng 2 thìa bột mì tạo thành loại mặt nạ tự nhiên cho da mặt. Hỗn hợp này giúp tẩy tế bào chết và cấp ẩm cho da mặt, giảm tiết dầu thừa.
4. Mặt nạ táo và mật ong
Xay nhuyễn táo đã bỏ hạt, trộn với 2 thìa mật ong đắp lên mặt có thể cải thiện được mụn trên da dầu. Trong táo có chứa axit salicylic tự nhiên giảm mụn trứng cá, mụn bọc hiệu quả.
5. Mặt nạ nước cốt chanh và trứng gà
Tách riêng phần lòng trắng trứng gà, thêm 1 thìa nước cốt chanh và khuấy đều. Sau đó đắp lên mặt như 1 loại mặt nạ trong khoảng 15 phút. Mặt nạ chanh và trứng gà có thể làm sạch da từ bên trong, giúp da trắng sáng và giảm mụn.

6. Mặt nạ sữa chua, khoai tây và tinh dầu bạc hà
Khoai tây đem luộc chín, nghiền nhuyễn trộn với sữa chua không đường và tinh dầu bạc hà thành mặt nạ đắp mặt hàng ngày. Loại mặt nạ này giúp cấp ẩm cho da, se khít lỗ chân lông, giảm mụn đầu đen.
7. Mặt nạ cà chua
Cà chua chín đỏ thì bỏ vỏ và hạt, xay nhuyễn trộn với mật ong hoặc sữa tươi không đường để đắp mặt. Cà chua có chứa lycopene giúp làm mềm da và se khít lỗ chân lông. Ngoài ra, cà chua còn có nhiều chất kháng oxy hóa có thể giảm mụn và bã nhờn trên mặt.
Xem thêm: Các bước chăm sóc da cơ bản ai cũng có thể làm được
8. Sử dụng nước trà xanh
Trong trà xanh có chứa catechin có thể kháng viêm, làm dịu da, khô mụn và ngăn ngừa mụn tái phát. Bạn có thể sử dụng nước trà xanh để rửa mặt hàng ngày. Hoặc dùng nước trà xanh với mật ong và lòng trắng trứng gà để đắp mặt 2 lần / 1 tuần.
9. Sử dụng nước đá
Thỉnh thoảng dùng nước đá lạnh chườm mặt có thể cấp ẩm cho da, se khít lỗ chân lông, giảm thiểu tình trạng bóng nhờn do lớp dầu trên mặt.
10. Sử dụng nước muối
Trong muối có chứa nhiều vitamin (A,C,E), khoáng chất (kẽm, canxi, natri) và chất kháng khuẩn giúp trị mụn, giảm nhờn, giảm thâm một cách hiệu quả và an toàn. Vậy nên, người có làn da dầu thì nên sử dụng nước muối để rửa mặt mỗi ngày.
Với những người da dầu, hành trình chăm sóc da chắc hẳn sẽ gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, chỉ cần thực sự hiểu làn da của mình, kiên trì thực hiện thì nhất định sẽ đạt được hiệu quả. Hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ biết cách biến làn da dầu mụn của mình trở lên trắng sáng, mịn màng và khỏe khoắn hơn.