Vitamin K là gì?
Vitamin K là tên gọi chung của một nhóm vitamin tan trong chất béo, có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu, chuyển hóa xương và điều chỉnh nồng độ canxi trong máu. Trong tự nhiên, vitamin K tồn tại ở hai dạng là vitamin K1 và vitamin K2.

Vitamin K1 hay phylloquinone, đến từ các nguồn cung thực vật như cải xoăn, cải cầu vồng (Swiss chard), mùi tây, đinh hương, rau chân vịt, nho, dầu thực vật,... Đây là loại vitamin K chính trong chế độ ăn kiêng.
Một nguồn ít hơn là vitamin K2, hay menaquinone, xuất hiện trong một số thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt, trứng và các sản phẩm lên men như natto (một loại đậu nành lên men của Nhật Bản) cũng như được cơ thể tạo ra tự nhiên trong đường ruột.
Tác dụng của vitamin K
Vitamin K được dùng để giải quyết các vấn đề sau:
- Chảy máu ở trẻ sơ sinh có lượng vitamin K thấp (bệnh xuất huyết). Cho uống vitamin K hoặc tiêm vitamin K vào cơ bắp có thể ngăn ngừa tình trạng chảy máu ở trẻ sơ sinh. Tiêm vitamin K thường có hiệu quả tốt hơn.
- Nồng độ prothrombin trong máu thấp (hypoprothrombinemia). Uống vitamin K1 hoặc tiêm vào tĩnh mạch có thể ngăn ngừa và điều trị các vấn đề chảy máu ở những người có nồng độ prothrombin thấp do sử dụng một số loại thuốc điều trị các tình trạng sức khỏe khác.
- Rối loạn chảy máu do thiếu vitamin K (VKCFD). Bổ sung vitamin K bằng đường uống hoặc tiêm vào tĩnh mạch có thể giúp ngăn ngừa chảy máu ở những người bị VKCFD.
- Đảo ngược tác dụng làm loãng máu của warfarin. Bổ sung vitamin K1 bằng đường uống hoặc tiêm vào tĩnh mạch có thể đảo ngược phản ứng loãng máu do warfarin. Tuy nhiên, tiêm vitamin K1 dưới da dường như không hiệu quả.
Ngoài ra, vitamin K cũng có thể có hiệu quả trong các trường hợp sau:
- Xương yếu và giòn (loãng xương). Sử dụng vitamin K2 có thể giúp cải thiện sức mạnh của xương và giảm nguy cơ gãy xương ở hầu hết phụ nữ lớn tuổi có xương yếu. Uống vitamin K1 cũng giúp làm tăng sức mạnh của xương và có thể ngăn ngừa gãy xương ở phụ nữ lớn tuổi nhưng nó có thể không tác dụng tốt với những người đàn ông lớn tuổi.
- Cải thiện sức khỏe tim mạch. Vitamin K có thể giúp giữ huyết áp thấp hơn bằng cách ngăn chặn quá trình khoáng chất tích tụ trong động mạch, cho phép tim bơm máu tự do qua cơ thể. Quá trình khoáng hóa tự nhiên xảy ra khi tuổi tác tăng và là một yếu tố nguy cơ chính cho bệnh tim. Hấp thụ đủ vitamin K cũng đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ đột quỵ.
Nguy cơ thiếu hụt vitamin K
1. Các yếu tố gia tăng thiếu hụt vitamin K
Thiếu hụt vitamin D ở người lớn là khá ít gặp. Phần lớn người trưởng thành có thể có đủ lượng vitamin K cơ thể cần thông qua chế độ ăn.
Tuy nhiên, một số người sẽ cần bổ sung vitamin K để giải quyết các tình trạng sức khỏe khác. Bên cạnh đó cũng tồn tại một số yếu tố làm giảm khả năng hấp thụ vitamin K của cơ thể:
- Gặp các tình trạng sức khỏe ảnh hưởng đến sự hấp thụ trong đường tiêu hóa, chẳng hạn như bệnh Crohn hoặc bệnh celiac.
- Dùng các thuốc cản trở sự hấp thụ vitamin K.
- Bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
- Uống rượu bia nhiều.
Trong khi đó, tình trạng thiếu vitamin K ở trẻ sơ sinh khá nhiều, tới mức tiêm vitamin K sau khi sinh cho trẻ gần như là bắt buộc.

2. Triệu chứng thiếu vitamin K
Vitamin K đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu, giúp ngăn ngừa sự chảy máu quá mức ở cả bên trong và ngoài cơ thể.
Đông máu là cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể trước các vết thương hở. Khi cơ chế này gặp trục trặc, bạn có thể có nguy cơ tử vong cao do mất máu liên tục, nhất là khi gặp các va chạm, chấn thương nặng hoặc tai nạn.
Dấu hiệu thiếu hụt vitamin K cơ bản nhất là chảy máu quá nhiều. Sự chảy máu này có thể xuất hiện ở một vết thương hở, cũng có thể xảy ra bên trong cơ thể (xuất huyết nội).
Các triệu chứng thiếu hụt vitamin K là:
- Dễ bị bầm tím.
- Tụ máu dưới móng tay.
- Khi đi ngoài phân có màu đen sẫm và chứa một ít máu.
Ở trẻ em, dấu hiệu thiếu vitamin K thể hiện:
- Chảy máu từ khu vực cắt dây rốn.
- Chảy máu ở da, mũi, đường tiêu hóa hoặc các khu vực khác.
- Chảy máu ở dương vật nếu em bé đã cắt bao quy đầu.
- Chảy máu đột ngột trong não (đây là trường hợp cực kỳ nguy hiểm và đe dọa tính mạng).
Nhu cầu và liều dùng vitamin K của cơ thể
1. Nhu cầu vitamin K hằng ngày của cơ thể
Trẻ sơ sinh 0-6 tháng: 2 mcg.
Trẻ sơ sinh 7-12 tháng: 2,5 mcg.
Trẻ em 1-3 tuổi: 30 mcg.
Trẻ em 4-8 tuổi: 55 mcg.
Trẻ em 9-13 tuổi: 60 mcg.
Thanh thiếu niên 14-18 tuổi (bao gồm cả những người đang mang thai hoặc cho con bú): 75 mcg.
Nam giới trên 19 tuổi: 120 mcg.
Nữ giới trên 19 tuổi (bao gồm cả những người đang mang thai và cho con bú): 90 mcg.
2. Liều dùng vitamin K
Với người lớn:
Đối với xương yếu và giòn (loãng xương) : Dạng MK-4 của vitamin K2 được dùng với liều 45 mg mỗi ngày. Ngoài ra, vitamin K1 cũng có thể được dùng với liều 1-10 mg mỗi ngày.

Đối với rối loạn chảy máu do thiếu vitamin K (VKCFD): Liều uống 10 mg vitamin K chia ra thành 2-3 lần mỗi tuần hoặc liều 10 mg vitamin K được tiêm vào tĩnh mạch. Tần suất các mũi tiêm này được đưa ra sau khi xác định bằng xét nghiệm kiểm tra hiệu quả chống đông máu trong phòng thí nghiệm (xét nghiệm INR).
Để đảo ngược tác dụng làm loãng máu của warfarin: Một liều duy nhất 1-5 mg vitamin K1 thường được sử dụng để đảo ngược tác dụng của việc uống quá nhiều warfarin. Liều chính xác cần thiết được xác định bằng xét nghiệm INR. Liều dùng hàng ngày 100-200 mcg vitamin K cũng có thể được sử dụng cho những người dùng warfarin lâu dài, có máu đông không ổn định. Đối với phương thức tiêm, một liều duy nhất từ 0,5-3 mg vitamin K1 thường được sử dụng. Liều chính xác cần thiết được xác định bằng xét nghiệm INR.
Với trẻ em:
Đối với các vấn đề chảy máu ở trẻ sơ sinh có lượng vitamin K thấp (bệnh xuất huyết): 1-2 mg vitamin K1 được chia thành ba liều dùng trong 8 tuần. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng liều duy nhất chứa 1 mg vitamin K1; 5 mg vitamin K2 hoặc 1-2 mg vitamin K3. Với phương thức tiêm, một liều duy nhất chứa 1 mg vitamin K1 sẽ được tiêm vào cơ bắp trẻ.
Những lưu ý khi bổ sung vitamin K
1. Tác dụng phụ của vitamin K
Chưa có ghi nhận về bất cứ trường hợp nào ngộ độc do tiêu thụ các thực phẩm chứa vitamin K. Tuy nhiên, các liều bổ sung vitamin K có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn:
- Giảm sự thèm ăn
- Giảm chuyển động hoặc hoạt động, cáu gắt
- Khó thở, phù gan, sưng cơ thể nói chung
- Xanh xao, vàng mắt, vàng da

Ngoài ra, dù rất ít gặp nhưng cơ thể cũng có thể gặp các phản ứng sau:
- Khó nuốt, tức ngực
- Thở nhanh hoặc không đều, khó thở, thở khò khè
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu
- Phát ban da, nổi mề đay và / hoặc ngứa
- Sưng mí mắt, mặt hoặc môi
- Tăng nhịp tim, tăng tiết mồ hôi
- Hạ huyết áp (tạm thời)
2. Tương tác thuốc
Vitamin K cũng có thể tương tác với một số thuốc khác làm giảm tác dụng hoặc gây ra các phản ứng khác, phổ biến nhất là:
- Chất làm loãng máu, chẳng hạn như warfarin được sử dụng để ngăn ngừa các cục máu đông có hại có thể chặn lưu lượng máu đến não hoặc tim. Chúng hoạt động bằng cách giảm hoặc trì hoãn khả năng đông máu của vitamin K. Tăng hoặc giảm đột ngột lượng vitamin K có thể can thiệp vào tác dụng của các loại thuốc này. Giữ lượng vitamin K phù hợp từ ngày này sang ngày khác có thể ngăn ngừa những vấn đề này.
- Thuốc chống co giật, nếu dùng trong khi mang thai hoặc trong khi cho con bú, có thể làm tăng nguy cơ thiếu vitamin K ở thai nhi hoặc trẻ sơ sinh.
- Thuốc hạ cholesterol cản trở sự hấp thụ chất béo. Chất béo trong chế độ ăn uống rất cần thiết để hấp thụ vitamin K, vì vậy những người đang dùng thuốc này có thể có nguy cơ thiếu hụt vitamin K cao hơn.
- Sử dụng rượu và thuốc trong thời gian sử dụng các chất bổ sung vitamin K cũng có thể gây các tác dụng tiêu cực.
3. Những đối tượng cần chú ý khi sử dụng các chất bổ sung vitamin K
Những người có cơ địa dị ứng, mẫn cảm với các thành phần thuốc.
Trẻ em: Trẻ em có thể nhạy cảm với tác dụng của vitamin K hơn người trưởng thành, đặc biệt là những trẻ sinh non.
Người lớn tuổi: Nhiều sản phẩm bổ sung vitamin K chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng trên người già. Chúng có thể không thể hiện toàn bộ dược tính như trên cơ thể người trưởng thành hoặc có các phản ứng phụ khác.
Phụ nữ đang mang thai: Chưa có báo cáo về các dị tật bẩm sinh hay tác dụng tiêu cực khác của vitamin K cho phụ nữ trong thai kỳ, tuy nhiên, chúng thường không được khuyến cáo do có thể gây vàng da và mắt cho thai nhi.
Một số vấn đề sức khỏe khác cũng có thể tác động đến hiệu quả của các chất bổ sung vitamin K. Hãy báo với bác sĩ của bạn tất cả các bệnh lý bạn đang gặp, đặc biệt là:
- Xơ nang hoặc các bệnh khác ảnh hưởng đến tuyến tụy
- Tiêu chảy (kéo dài)
- Bệnh túi mật
- Các vấn đề về đường ruột. Các tình trạng này có thể cản trở sự hấp thụ vitamin K vào cơ thể khi dùng bằng đường uống. Bạn có thể sẽ phải dùng liều lớn hơn hoặc tiêm thuốc.
- Thiếu hụt Glucose-6-phosphate dehydrogenase (G6PD) có thể tăng tác dụng phụ của vitamin K.
- Bệnh gan cũng có thể làm tăng các tác dụng không mong muốn.